Qua đời và di sản Friedrich Wilhelm I xứ Brandenburg

Vào ngày 9 tháng 5 năm 1688, sau 48 năm trị vì lãnh địa, "Tuyển hầu tước vĩ đại" Friedrich Wilhelm I qua đời tại thành phố Potsdam. Trong vòng vài tháng, ông đã lâm bệnh phù rất nặng. Biết mình không thể sống lâu hơn, ông triệu các quan đại thần và Công tử trưởng Friedrich đến mà căn dặn. Ông nói, những cuộc chiến tranh đã làm cho ông lo âu và thận trọng, thậm chí còn gây bệnh nặng cho nhiều người khác, tuy nhiên:[66]

Nhưng Thiên Chúa thừa biết Ta đã đưa bộ mặt của lãnh địa trở nên như thế nào sau khi cha Ta mất, và Ta đã làm được những gì đối với lãnh địa?

— Friedrich Wilhelm I
Tem hình Tuyển hầu tước vĩ đại, nước Đức năm 1995. Tem nước Đức (1956), về thủ đô Berlin, với tượng chúa Friedrich Wilhelm I trên lưng chiến mã.

Không những thế, ông còn nói: "Ta... được bạn hữu nể phục và bị kẻ thù sợ hãi".[67] Ông cũng khuyên Công tử Friedrich phải thận trọng trị vì lãnh địa, phải thường xuyên bảo vệ từng tấc đất, phải thương dân và lắng nghe ý kiến của các vị trung thần[66]. Với thiên tài và sự mạnh mẽ của ông, ông đã để lại một ngân khố quốc gia được cung cấp đầy đủ, một lãnh địa được mở rộng hơn nhiều, một lãnh địa độc lập hoàn toàn, một lực lượng Quân đội hữu hiệu và một bộ máy Chính phủ vô cùng xuất sắc, với những viên quan cận thần lỗi lạc, nhờ vào tài năng làm tướng kiêm làm chính khách của ông.[65][68][69] Không những thế, theo nhà sử học Christopher M. Clark, thì nước Phổ - mà ông công hiến không nhỏ trong việc dựng xây nên - đã trở thành tấm gương sáng của một châu Âu nhân văn, với một bộ máy hành chính xuất sắc, một chính quyền dân sự không tham nhũng, và một chính sách tự do tôn giáo.[70]

Ông là vị lãnh chúa sáng lập ra "Quân đội có Quốc gia" đầu tiên trong lịch sử châu Âu cận - hiện đại, thậm chí đã mở đường cho công cuộc thống nhất Đế chế Đức vào năm 1871. Qua việc đánh bại Ba Lan, và liên minh Thụy Điển - Pháp, ông tỏ khác hẳn với vị tiên liệt yếu kém của ông.[23][40] Những vị vua kế tục ông đã đưa Đế chế Phổ trở thành một liệt cường quân sự hạng nhất của châu Âu vào thế kỷ XVIII - khi họ đánh bại tất cả mọi cường quốc châu Âu lục địa trong một loạt cuộc chiến tranh tàn khốc.[1][71][72] Họ cũng tiếp tục thực hiện chính sách "tự do tôn giáo" của tiên quân.[64] Người ta đã xây dựng một bức tượng Tuyển hầu tước vĩ đại thật đồ sộ tại thành phố Berlin, để tưởng nhớ vị vua khai quốc kiệt xuất của Vương triều Brandenburg.[59] Vào năm 1750, Quốc vương Friedrich II Đại Đế truyền lệnh cho mở nắp quan tài của vị Tuyển hầu tước vĩ đại. Vua rơi lệ, và nắm lấy tay của vị tiên liệt đáng kính. Không những thế, vua còn nói với một viên tướng.[39][60]

Vị tiên liệt này đã mở rộng đáng kể con đường cho Trẫm và các Khanh.
— Friedrich II Đại Đế[60]

48 năm trị quốc của ông được xem là một nền trị vì huy hoàng.[73] Cuối thế kỷ thứ XVII, xứ Phổ đã trở thành lãnh địa lớn nhất trong Đế quốc La Mã Thần thánh, chỉ sau nước Áo.[67] Tuy yếu kém hơn cha, Quốc vương Friedrich I (1701 - 1713) đã phát huy công cuộc xây dựng lãnh địa Phổ - Brandenburg do ông đề xướng, và sáng lập Vương quốc Phổ.[55] Cháu nội của ông - Quốc vương Friedrich Wilhelm I (1713 - 1740), sẽ tiếp tục thực thi những chính sách do người ông nội trùng tên của mình đề xướng: xây dựng một lực lượng Quân đội Phổ tinh nhuệ[74]. Vị vua lừng danh của nước Phổ, Friedrich II Đại Đế (1740 - 1786), đã gọi ông là "vị chúa mở đầu cho sự huy hoàng của Vương triều Hohenzollern".[75] Quốc vương Friedrich II Đại Đế (còn gọi là Friedrich II Độc nhất vô nhị[60]), và mọi ông vua của Vương triều Hohenzollern, đều tưởng nhớ và kính trọng vị Tuyển hầu tước vĩ đại: Trước khi đánh bại quân Áo và chinh phạt vùng Silesia (1740), vua Friedrich II Đại Đế đã tuyên bố trước ba quân:[41][76]

Lần lượt nhớ lại những chiến công lừng lẫy của cha ông ta trên thảo nguyên Warsaw, trong trận chiến Fehrbellin... vinh quang đang chờ các ngươi đó...

— Friedrich II Đại Đế

Trong sử học, văn học, vua cũng luôn xem vị Tuyển hầu tước vĩ đại là tấm gương sáng giá nhất cho các đời vua nhà Hohenzollern noi theo. Vua cũng từng thăm viếng chiến trường xưa Fehrbellin - là đất kinh điểm của Vương quốc Phổ vì vị Tuyển hầu tước vĩ đại từng thắng trận vang dội tại đây.[39] Chính tinh thần của nhân dân Phổ sẽ còn trở nên hào hùng hơn với những chiến thắng lẫy lừng của Quốc vương Friedrich II Đại Đế, họ vốn là những con người thượng võ kể từ triều đại của vị Tuyển hầu tước vĩ đại Friedrich Wilhelm I, cảm thấy mình tràn ngập trong những cuộc chiến đấu anh hùng và những chiến công hiển hách.[77] Song, tuy vị Tuyển hầu tước vĩ đại từng lập chiến công hết sức hiển hách tại Fehrbellin,[78] nhân dân Phổ sẽ còn đấu tranh mãnh liệt, gắn bó với nhà vua hơn hẳn khi vua Friedirch II Đại Đế chinh chiến trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763).[79] Nhưng bên ngoài xứ Phổ, Nhà nước do vị Tuyển hầu tước vĩ đại dựng xây cũng được Nga hoàng Pyotr Đại Đế - vị anh hùng có công gầy dựng nên Đế quốc Nga hùng cường - hết sức thán phục.[80][81]

Sinh thời, ông đã giành quyền cai quản thành phố Potsdam từ tay gia đình địa chủ Von Hake. Là vị Tuyển hầu tước đã xây dựng kinh thành Berlin thịnh vượng,[71] Sau 30 năm chinh chiến, ông cũng tái thiết thành phố Potsdam. Sau kinh đô Berlin, đây là nơi thứ hai mà vị lãnh chúa thường ngự. Công tử Friedrich, tức vua nước Phổ Friedrich I về sau, đã ghi nhận vào năm 1666:[64]

Chúa công, cha của Ta vô cùng yêu quý Potsdam. Nó cũng là một nơi lý tưởng...

— Friedrich I

Vị Tuyển hầu tước vĩ đại trong văn hóa

Đài kỷ niệm chiến thắng Fehrbellin (Hakenberg).

Ông cũng được tạc tượng trong đền Walhalla - nơi kỷ niệm các vị anh hùng làm rạng danh nước Đức.[82] Tác giả Droysen cũng tán tụng những công đức của triều đại Hohenzollern và xem vị Tuyển hầu tước vĩ đại là một anh hùng dân tộc của người Đức.[83] Trong Hoàng cung xưa ở kinh đô Berlin, Hoàng gia Phổ đã treo một tấm hình đẹp nói về chiến thắng oanh liệt của vị Tuyển hầu tước anh hùng - một trận Marathon hoặc trận Bannockburn của xứ Phổ.[84]

Ngày nay, một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I là bức tượng ông trên lưng chiến mã, do Andreas Schlüter tạc tại sân trong của Cung điện Charlottenburg, thủ đô Berlin. Bức tượng này cho thấy ông vận bộ chiến bào thời kỳ cổ điển. Một tay ông cầm gậy chỉ huy của vị Thống soái, cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của vị chúa quyết đoán. Ông dễ dàn điều khiển con chiến mã của mình, ý nói uy quyền của ông trên lãnh địa Phổ - Brandenburg; trong khi đó, dáng đứng của bức tượng cho thấy sự hùng mạnh của vị chúa chiến thắng, và thể hiện ông luôn luôn bất khả chiến bại, luôn luôn giành thắng lợi trên trận tiền. Chín năm sau khi nhà chúa qua đời, Andreas Schlüter đã phác thảo xong bức tượng này, và nó được khai trương vào năm 1703.

Tượng nhà chúa trên lưng chiến mã (Johann Jacobi thực hiện, 1712).

Bức tượng này kỷ niệm: "unsterbliche[...] Heldentaten", tức những chiến công oai hùng của vị Tuyển hầu tước vĩ đại. Khi mô tả bằng hình tượng về chế độ quân chủ Phổ mới mẻ, những chiến công oai hùng là hết sức quan trọng vì nhờ đó mà một Vương triều được sáng lập và thịnh vượng. Bức tượng thể hiện nhà chúa là một vị Thống soái, và do đó đã thể hiện tàm quan trọng của lực lượng Quân đội Brandenburg - lực lượng này được thể hiện qua mong ước của ông về một chế độ quân chủ chuyên chế Phổ: uy thế chính trị của xứ Brandenburg đã gia tăng thì quân số Quân đội Brandenburg cũng phải nâng cao. Có lẽ vì công lao xây dựng lực lượng Quân đội Brandenburg của ông mà Quốc vương Phổ Friedrich I Hohenzollern đã tạc tượng vua cha Friedrich Wilhelm I cưỡi ngựa, thay vì bản thân mình - khác với xu thế thường thấy vào thời đó.[30]

Nhà thơ cung đình Phổ là Johann von Besser cũng viết thơ ca ngợi Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I, thể hiện lòng dũng cảm của ông - vốn cũng không kém gì tài năng quân sự của ông. Có lẽ nhà thơ Besser thể hiện rõ nét nhất về ông qua bài thơ chưa hề được hoàn thành - "Lob-Gedicht Friedrich Wilhelm des Grossen" (Bài thơ Tuyên dương Chúa Friedrich Wilhelm Vĩ đại). Người đời sau đã xuất bản bài thơ này từ những đoạn thơ, và ba đoạn chính có nói về những chiến công oanh liệt của nhà chúa: "Beschreibung der Warschauschen" (Kể về trận đánh tại Warsawa), kể về trận đánh tại Warsawa giữa liên quân Brandenburg - Thụy Điển do chúa Friedrich Wilhelm I chỉ huy đánh liên quân Ba Lan - Thát Đát vào năm 1656 - được xem là cuộc thử lửa đầu tiên của Quân đội Brandenburg; "Beschreibung der Schlacht bei Fehrbellin" (Kể về trận đánh tại Fehrbellin), ca ngợi chiến thắng oanh liệt của ông trước quân Thụy Điển vào năm 1675 (mang lại cho ông danh hiệu "Tuyển hầu tước vĩ đại"); và "Effect der Bombardirung von Stettin" (Chiến công vây hãm Stettin), kể về cuộc vây hãm Stettin vào năm 1677, để đuổi quân Thụy Điển ra khỏi miền Bắc Đức sau chiến thắng tại Fehrbellin.[30]

"Bài thơ Tuyên dương Chúa Friedrich Wilhelm I" cũng ca ngợi những chiến công oai hùng của ông không kém gì Andreas Schlüter vậy. Trong khi bức tượng không nêu lên hiện thực, mà huyền thoại về vị Tuyển hầu tước, Von Besser thể hiện hình ảnh của một lực lượng Quân đội bất khả chiến bại, do một vị Thống soái lý tưởng thống lĩnh. Cả hai ông này thường nêu bản chất, hai kể về những chiến công huy hoàng trong quá khứ, để ca ngợi nguồn gốc của Vương triều và thể hiện sự giàu mạnh của Vương quốc Phổ do nhà Hohenzollern trị vì. Bài thơ của Von Besser thể hiện lòng yêu nước vô bờ vô bến, sau một cuộc hành quân ông đánh trận tại Fehrbellin, nhà chúa đã chiến thắng và ca khúc khải hoàn kéo quân trở về. "Bài thơ Tuyên dương Chúa Friedrich Wilhelm I" cũng thể hiện rõ ràng hình ảnh của vị chúa anh minh. Ông được cách điệu hóa như một con chim đại bàng - biểu tượng của Vương triều Hohenzollern, và con đại bàng này bay nhanh thể hiện cuộc hành quân hiển hách của ông từ xứ Franconia về xứ Brandenburg.[30]

Tai ta vẫn còn nghe, những tiếng kèn chiến thắng tại Fehrbellin và tiếng kêu của Đức Tuyển hầu tước vĩ đại.
— Alfred Rosenberg - nhà lý luận Đức Quốc xã[85]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Friedrich Wilhelm I xứ Brandenburg http://www.infoplease.com/ce6/people/A0819576.html http://dictionary.sensagent.com/WALHALLA/sv-sv/ http://www.potsdam.de/cms/beitrag/10033178/495513/ http://www.1911encyclopedia.org/Frederick_William http://www.archive.org/stream/frederickgreat00brac... http://www.historyofwar.org/articles/battles_fehrb... http://www.worldcat.org/title/french-revolutionary... http://catalogue.pearsoned.co.uk/catalog/academic/... http://books.google.com.vn/books?ei=FYjrTL_dLsHBce... http://books.google.com.vn/books?ei=RpfrTJLXMceXcb...